Trứng chiên thịt nghêu



Nguyên liệu
Nghêu: 400g
Trứng gà: 2 quả
1 cọng hành lá, 1 thìa cà phê nước mắm, ¼ thìa cà phê tiêu, ½ thìa súp dầu ăn
Cách làm:
Nghêu ngâm nước cho nhả hết cát, luộc sơ, tách lấy thịt
Hành lá rửa sạch, xắt nhuyễn
Trứng gà đập ra tô, đánh đều lên, nêm ít nước mắm, tiêu sau đó cho hành lá vào
Làm nóng chảo dầu, cho trứng vào rải đều
Trứng chín rải nghêu đều lên trên mặt trứng, để trứng vừa ráo mặt là vừa. Cho ra đĩa, dùng nóng.

Bông cải xào hải sản



Nguyên liệu
Tôm sú: 50g
Mực: 1 con
100g bông cải, 30g đậu que, 30g đậu Hà Lan, ½ củ cà rốt, ½ thìa cà phê hành tỏi băm; Muối, tiêu, dầu ăn
Cách làm
Tôm sú rửa sạch, lột vỏ, chừa đuôi, chẻ lưng bỏ chỉ đen
Mực rửa sạch, cắt miếng vừa ăn
Cà rốt xắt mỏng. Bông cải xắt miếng vừa ăn. Hai loại đậu tước xơ, cắt khúc đậu que
Làm nóng chảo dầu, phi thơm hành tỏi băm, cho rau củ vào xào sơ, nêm gia vị vừa ăn. Cho tiếp tôm, mực vào đảo đều cho thấm gia vị. Trút ra đĩa dùng nóng.

Xôi thịt hon


(Khẩu phần: 4 người – Thực hiện: 90 phút)
Nguyên liệu: 1 cái giò heo, 10 tai nấm mèo, 50g nghệ tươi
50g mè, 100g đậu phộng, 6 cây sả cây, 10 quả táo đen, 2 củ hành tím, 1/2  chén rượu trắng, 1 thìa cà phê nước tương, 1 thìa cà phê nước mắm, 1/8 thìa cà phê muối tiêu, 1/2  thìa cà phê đường, 1/8 thì cà phê bột ngọt.
Thực hiện:
Giò heo bỏ móng, làm sạch, nướng vàng da, chặt miếng lớn. Nghệ tươi gọt vỏ, xay nhuyễn. Hành tím bóc vỏ, băm nhuyễn. Ướp thịt với muối tiêu, đường, hành tím băm, nghệ xay, nước tương, rượu trắng trước cho thấm.
Nấm mèo ngâm với nước nóng, rửa sạch, cắt miếng vừa ăn. Táo tàu ngâm nước nóng, xé bỏ hạt. Đậu phộng luộc chin, lột vỏ. Sả cây đập dập. Mè rang vàng.
Cho thịt, nấm mèo, táo, đậu phộng, sả vào nồi, cho nước vào săm sắp mặt, lấy lá chuối kịt kín miệng nồi, mang đi nấu trên lửa nhỏ. Thịt chín thấm, nước sệt và dẻo là được.
Cho thịt ra tô, cho mè lên trên. Dùng kèm với cơm trắng hoặc xôi trắng.
Mách nhỏ: Hon là cách nấu đặc biệt của người Miền Trung, phải nấu lâu, đậy kín nắp, sử dụng nhiều nguyên liệu đặc trưng. Món ăn có vị thơm đặc sắc.

Miến xào gạch cua

(Khẩu phần: 4 người – Thực hiện: 40 phút)

Nguyên liệu: 100g miến đậu xanh, 1 con cua gạch, 3 tép tỏi
300ml nước dùng gà hoặc heo
1 thìa súp dầu ăn, 1/3 thìa cà phê muối, 1/8 thìa cà phê bột ngọt, 1/4 thìa cà phê nước mắm, 1 thìa cà phê tiêu.
Hành, ngò, rau răm ăn kèm.
Thực hiện:
Cua rửa sạch, mang đi hấp chín, ráy lấy thịt và gạch cho vào chén. Cho muối, hành tím, tiêu, nước mắm vào ướp với thịt và gạch cua cho thấm.
Miến luộc nhanh với nước dùng, vớt ra để ráo, cắt khúc ngắn. Rau răm, hành, ngò rửa sạch, vớt để ráo, thái nhỏ.
Cho chảo lên bếp, đun nóng dầu ăn. Phi thơm tỏi, cho gạch và thịt cua vào xào chin, cho miến vào trộn đều, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn.
Cho miến ra chén, cho hành, ngò, rau răm lên trên. Ăn nóng.
Mách nhỏ: Sau khi cho miến xào với cua, nhớ dùng đũa xóc đều liên tục để cho thịt cua bám vào miến và miến không bị dính.

Mắm tôm chua, thịt phay, rau sống


(Thực hiện: 2 tuần)
Nguyên liệu: 1 kg tôm rằng tươi loại nhỏ, 100g nếp, 300g măng vòi (măng tươi), 100g riềng, 100g muối, 100g tỏi, 100g ớt sừng, 1 chén rượu trắng, 50g mật ong.
Thực hiện:
Tôm cắt bỏ đầu, đuôi, rửa sạch, để ráo nước. Cho tôm vào ngâm với rượu trắng để khoảng 1 giờ đồng hỗ, vớt ra để thật ráo, ướp với muối để qua đêm.
Ớt trái bỏ hạt. Riềng gọt vỏ rửa sạch, Măng rửa sạch. Tất cả mang đi xắt sợi rồi trộn đều với tôm. Cho hỗn hợp này vào thẩu lớn, mang đi phơi nắng khoảng một tuần.
Nếp mang đi nấu xôi nhão, tán mịn, trộn đều với tôm, cho mật ong vào, mang đi ngâm them 1 tuần nữa. Khi tôm chin đỏ, có mùi thơm là được.

Mách nhỏ:
Tôm phải được ngâm trong bình thủy tinh, đậy kín nắp và phơi dưới ánh nắng mặt trời. Nếp phải nấu thành xôi nhão.

Gà hầm hạt sen


(Khẩu phần: 4 người – Thực hiện: 90 phút)
Nguyên liệu: 1/4  con gà tơ, 50g hạt sen khô tịnh tâm, 3 củ hành tím, 3 cây hành lá Hà Nội, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa cà phê tiêu.
Thực hiện:
Hành tím bóc vỏ, giả nhuyễn với muối, tiêu, hạt nêm. Gà làm sạch, để ráo nước. Hạt sen tịnh tâm rửa sạch.
Cho gà vào ướp với hành tím giã nhuyễn trong khoảng 20 phút cho gà thấm.
Cho hạt sen, gà vào thố đất, cho nước vào vừa đủ, đem đi chưng cách thủy trong khoảng 1 giờ đồng hồ.
Múc gà ra tô, cho hành lá vào trang trí. Dùng nóng.
Mách nhỏ: Nên cho lượng nước vừa phải, không quá nhiều. Dùng cây tăm chích thử vào đùi gà, thấy gà chin mềm, hạt sen bở, nước dùng trong, có mùi thơm là được

Chân giò nấu ngó sen

Chân giò ngó sen là một món ăn bổ dưỡng, thích hợp với mùa thu đông. Món ăn này dễ làm và tốn rất ít thời gian.
Bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu: chân giò 1 kg, ngó sen 0,5 kg, bột nêm, tiêu bột, hành khô và hành hoa.
Hành hoa rửa sạch cắt khúc, hành khô bóc vỏ băm nhỏ, ngó sen tước hết xơ, thái vát ngâm vào nước lã có pha chút muối. Làm như vậy là để cho ngó sen hết nhựa và không bị thâm. Sau khoảng 10 phút vớt ngó sen ra rửa sạch, để ráo nước. Chân giò cạo sạch, bóp muối, rửa sạch rồi chặt miếng ướp với hành đã băm nhỏ, hạt tiêu và một chút bột nêm để ngấm.
Tiếp đó, ta cho thịt vào nồi, bắc lên bếp đảo kỹ cho ngấm gia vị rồi cho nước vào, đun nhỏ lửa cho chân giò chín khoảng 80% thì cho ngó sen vào đun tiếp tới khi chín mềm. Cuối cùng, ta thả hành hoa vào rồi bắc ra ăn nóng.

Món cá chình um huế

món cá chình um huế
món cá chình um huế
Món này nên dọn ăn trong lẩu để giữ nóng. Xếp một đĩa rau cải non, bắp chuối bào và một đĩa bún để ăn kèm.
Nguyên liệu:
- Cá chình suối 300 gr
- Dưa hường chua 100 gr
- Măng chua 200 gr
- Rau răm, ngò gai, cải non, chuối chát, bắp chuối, cây me đất mỗi thứ một ít
- Hành tím 2 củ
- Ruốc Huế 1 muỗng cà phê
- Bột nghệ 1/2 muỗng cà phê
- Đường 1 muỗng cà phê
- Hạt nêm, ớt bột Huế, tiêu mỗi thứ một ít
Thực hiện:
- Cá chình cắt miếng nhỏ vừa ăn rửa sạch, ướp với ruốc Huế, đường, nước mắm, bột nghệ, hành tím giã nhỏ và bột nêm để 10 phút cho thấm.
- Đun nóng dầu, cho hành tím vào phi thơm, hạ nhỏ lửa. Cho tiếp ớt bột Huế và cá vào xào cho săn lại.
- Nêm một chút ruốc Huế đã đánh tan với nước vào nồi rồi cho măng chua, dưa hường chua và chuối chát cắt lát vào đảo đều, chờ sôi lại vài dạo. Nêm ngò gai, rau răm, cây me đất vào là được.
 

Mứt gừng



Mứt gừng thơm ngon dễ làm Làm mứt gừng chuẩn bị đón Tết



Nguyên liệu:

- Gừng non: 100gr

- Đường: 60gr

- Chanh: 1/4 quả

- Muối: 1/2 thìa cà phê

Cách làm



Gừng chọn củ nhánh to, còn non để khi làm mứt sẽ không bị xơ già. Rửa cho hết bùn đất rồi cạo vỏ, rửa lại với nước cho sạch



Dùng dao hoặc dụng cụ nạo thái gừng thành những lát mỏng, to bản rồi ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 2 tiếng.



Vớt gừng ra, xả lại với nước lạnh rồi đun sôi nước, cho gừng vào luộc cùng nước cốt chanh để gừng được trắng.



Gừng sôi thì lại đổ ra xả nước lạnh rồi lặp lại quy trình trên, số lần luộc gừng tùy thuộc vào sở thích ăn gừng cay và thơm thế nào, trung bình luộc khoảng 2 lần là được, vớt gừng ra để ráo nước.



Trộn gừng với đường theo tỉ lệ 1 gừng : 0,6 đường, ngâm cho đến khi đường tan hết.



Đổ gừng vào chảo, dàn đều và sên với mức lửa nhỏ nhất. Khi đường sôi thì cầm cán chảo lắc nhẹ để đường không bị cháy.



Cứ thế sên, thỉnh thoảng dùng đũa đảo nhẹ đến khi đường cạn, miếng gừng bắt đầu khô thì nhấc chảo ra khỏi bếp, đảo liên tục nhờ vào nhiệt ở chảo vẫn còn nóng đến khi các miếng gừng khô hẳn.





Khi mứt nguội, đường cứng lại, bám thành một lớp vỏ màu trắng bám đều lên những miếng gừng. Lúc này ta có thể cất vào lọ kín để ăn dần.



Chúc các bạn thành công và có những giây phút hạnh phúc bên gia đình khi cùng nhau thưởng thức món mứt gừng do chính tay bạn làm nhé!
Hà Ly (Eva.vn)

Dưa món

Tôm chua, món ngon xứ Huế

 

Tôm chua là một món ăn bình dị của người dân xứ Huế. Cái vị chua thanh của tôm, cay nồng của các loại gia vị làm cho ai đã một lần thưởng thức thì không thể quên được hương vị mộc mạc của món ăn.
Trong ẩm thực xứ Huế, tôm chua là món ăn nhà quê nhưng được rất nhiều người ưa thích.
Tôm chua là món ăn tổng hòa giữa sắc và vị, đem lại sự hấp dẫn cho người thưởng thức. Ảnh:
Tôm chua là món ăn tổng hòa giữa sắc và vị. Ảnh: Khánh Hòa.
Tôm chua mang đủ sự tinh tế của người Huế trong cách chế biến. Không sử dụng loại tôm biển to, mập, người ta bắt những con tôm nước ngọt, tôm sông, tôm đồng, tôm đất. Tôm không quá to, không quá nhỏ, sàn sàn nhau để được ngấm đều gia vị và làm cho hũ tôm thêm đẹp.
Tôm sau khi bắt về cắt đầu, râu, bỏ lấy chỉ đen trên lưng tôm, ngâm trong nước phèn chua chừng dăm phút, rửa sạch, ngâm tiếp với rượu trắng cho đến khi hết mùi rượu, vớt ra để ráo. Măng vòi (phần non), tỏi xắt lát mỏng, củ riềng xắt rối, ớt trái xắt lát dài.
Trộn đều tôm, xôi, măng vòi, tỏi, ớt, riềng, nước mắm ngon hoặc muối, cho vào thẩu thủy tinh. Tốt nhất là ủ tôm trong vại sành, lấy vài thanh tre mỏng gài lại và đậy nắp, để nơi có nắng ấm độ 3 ngày. Sau đó đưa vào nơi khô ráo và mát. Quá trình ủ tôm kéo dài từ 5 đến 7 ngày. Cầu kỳ hơn, người ta có thể chôn xuống đất để giữ nhiệt độ ổn định cho quá trình lên men, giúp tôm càng ngọt và thơm. 
Tôm chua là sự tổng hòa của sắc màu trắng của xôi, măng, riềng tỏi, màu đỏ của tôm, ớt... và đủ các vị: ngọt, béo, bùi, cay, chua, đắng... Đó còn là sự tổng hòa của âm và dương, cái mát lành của tôm hòa trong cái cay nồng của gia vị, tất cả thật hài hòa và quyến rũ.
Tôm chua thường được ăn kèm với thịt luộc và dưa chua. Đây là món ăn ngon miệng mà ai đã ăn một lần thì sẽ nhớ mãi hương vị của nó. Ảnh:
Tôm chua thường được ăn kèm với thịt luộc và dưa chua. Ảnh: H.L.
Tôm chua có thể ăn không với cơm nóng. Nổi tiếng và ngon miệng nhất phải kể đến là tôm chua ăn kèm với thịt luộc, bánh tráng và dưa giá cùng các loại rau sống khác. Một lát bánh tráng mỏng, bên trên là xà lách, vài lát khế, lát vả thái mỏng, dưa giá, húng quế... một miếng thịt luộc, một con tôm chua, cuốn tròn lại chấm vào chén nước chắm và thưởng thức. Vị chua chua cay cay của tôm hòa trong cái ngọt của thịt, cái chua của khế, chát chát giòn giòn của quả vả... tất cả trộn lẫn vào nhau đem lại cho người ăn cảm giác thích thú và vô cùng ngon miệng.
Đây là món ăn rất đơn giản nên bạn có thể thực hiện ở nhà để cùng thưởng thức với người thân.
Dưới đây là cách chế biến bạn có thể tham khảo:
Nguyên liệu: 
- Tôm chua: Có bán tại các siêu thị, khi mua về bạn nên để hũ tôm chua vào trong tủ lạnh sẽ sử dụng được lâu hơn.
- Thịt lợn: Chọn thịt ba chỉ hoặc thịt chân giò.
- Rau sống các loại: Xà lách, húng quế, khế chua, quả vả... Các loại gia vị, chanh, tỏi, ớt, bánh tráng.
Chế biến và thưởng thức:
- Thịt lợn rửa sạch, cho vào nồi luộc chín với ít muối, vớt ra để ráo. Thái thành từng miếng mỏng vừa ăn.
- Rau sống rửa sạch, khế, quả vả thái lát mỏng vừa ăn.
- Cho tôm chua ra đĩa, nếu muốn ăn cay bạn có thể cho thêm ít ớt tươi vào.
- Dùng một lát bánh tráng mỏng, cuốn đủ các loại gia vị và thưởng thức. Thịt luộc chấm với tôm chua sẽ có hương vị quyện hòa của vị ngọt, cay, béo. Nếu không thích cuốn bánh tráng, bạn có thể ăn món này với cơm nóng cùng với dưa chua.
Khánh Hòa

Bánh chưng gia truyền Nhật Lệ, Huế